Đăng bởi Để lại phản hồi

3 loại máy đồng hồ cơ bản

máy cơ đồng hồ

Bộ máy là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà bạn nên nắm rõ khi lựa chọn cho mình một chiếc đồng hồ. Bộ máy đồng hồ bao gồm 3 loại cơ bản và phổ biến nhất là máy Quartz, máy năng lượng ánh sáng và máy cơ khí. Và chỉ cần tìm hiểu định nghĩa đó là ta đã có thể gọi là yên tâm chọn một chiếc đồng hồ theo tiêu chí của mình. Bài viết cũng cung cấp thông tin sâu hơn để bạn có thể tìm hiểu thông tin về các loại máy của đồng hồ để có thêm kiến thức chọn cho mình một chiếc đồng hồ ưng ý hoặc hiểu thêm về những cố máy thời gian giá trị.

Bộ máy đồng hồ được coi như linh hồn của mỗi chiếc đồng hồ đặc biệt là những chiếc đồng hồ cơ khí. Không quá khi khẳng định rằng, bộ máy là nơi tài năng của người chế tác được thể hiện rõ nhất, thông qua đó để khẳng định tên tuổi của chính thương hiệu.

máy cơ đồng hồ

1. Đồng hồ được trang bị máy Quartz
2. Đồng hồ năng lượng ánh sáng – chiến binh công nghệ
3. Máy Đồng hồ cơ – hơi thở của truyền thống

Đồng hồ máy Quartz (Đồng hồ pin)

Dễ dàng nhận diện đồng hồ máy Quartz thông qua sự mỏng nhẹ, thanh thoát của toàn cỗ máy hoặc thông qua dòng chữ “Quartz” hiển thị trên mặt số. Thông thường, dòng chữ này sẽ hiện diện ở góc 6 giờ với kích thước không quá lớn, màu sắc linh hoạt tùy thiết kế.

Đồng hồ máy Quartz hoạt động dựa vào dao động của tinh thể thạch anh đặt trong một điện trường. Cấu tạo nên bộ máy bên trong của đồng hồ Quartz là sự góp mặt của các bộ phận như: pin, động cơ bàn đạp Electric, các vi mạch, bảng mạch kết nối vi mạch và các thành phần khác, tinh thể thạch anh, núm điều chỉnh thiết lập thời gian, bánh răng điều chỉnh tốc độ và trục trung tâm để gắn kim.

Một cách dễ dàng để nhận biết đồng hồ đeo tay Quartz, người ta nhìn vào Kim giây của đồng hồ chạy giật từng giây một. Đây là cách phân biệt đơn giản nhất giữa đồng hồ Quartz và đồng hồ cơ. Tuy nhiên với đa số đồng hồ treo tường đều sử dụng máy Quartz nhưng nó lại được chế tạo cho kim giây trôi như đồng hồ cơ.

Hoạt động của đồng hồ Quartz được hình dung như sau:

  • Thông qua các vi mạch điện tử, pin sẽ gửi điện trường đến các tinh thể thạch anh.
  • Tinh thể thạch anh dao động ở tần số cố định, tạo nên những chuyển động nhịp nhàng, lặp đi lặp lại.
  • Khi tinh thể thạch anh dao động, mạch điện tử sẽ đếm số rung động và dựa vào đó để tạo ra các xung điện liên tục
  • Tùy vào loại đồng hồ Quartz với màn hiển thị LCD hoặc đồng hồ có kim, xung điện sẽ được hiển thị dưới các dạng khác nhau. Nếu đồng hồ Quartz được trang bị màn hình hiển thị, xung điện sẽ được biểu hiện ra ở màn hình. Trường hợp đồng hồ có kim, xung điện sẽ được chuyển vào động cơ bàn đạp.
  • Tại đây, động cơ sẽ làm xoay bánh răng và đưa đến sự chuyển động của các kim trên mặt số. Lần lượt sẽ là kim giây, kim phút và kim giờ.

Do tinh thể thạch anh dao động ở tần số cố định (khoảng 32768 Hz) nên mức sai số của đồng hồ Quartz dao động khoảng 15 đến 20 giây/tháng. Và dù giao động với tần số khá cao nhưng kim giây đồng hồ Quartz vẫn giật từng nhịp bởi phụ thuộc vào quá trình kết hợp động cơ bước. Khác với đồng hồ cơ, kim giây đồng hồ Quartz chỉ di chuyển 1 lần/giây.

Cùng với tinh thể thạch anh, pin là bộ phận quan trọng không kém khi nhắc đến đồng hồ Quartz. Pin trong đồng hồ Quartz là dạng pin sơ cấp, không thể sạc. Do vậy, sau khoảng 1-3 năm (tùy sản phẩm), bạn cần phải thay pin cho đồng hồ. Chính vì lẽ đó, đồng hồ Quartz còn được gọi bằng cái tên khác là: đồng hồ pin.

Cấu tạo ít bộ phận, độ phức tạp của bộ máy chưa cao nên giá bán của đồng hồ máy Quartz luôn rẻ hơn nhiều so với máy năng lượng ánh sáng hay máy cơ. Máy Quartz phù hợp với mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là nữ giới – tín đồ thời trang và máy Quartz cũng được lắp đặt trên hầu hết đồng hồ treo tường.

Ưu điểm máy Quartz

  • Chạy chính xác hơn so với đồng hồ cơ. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghiệp đồng hồ thì thị trường đồng hồ đã cho ra đời những mẫu đồng hồ cơ có sai số thấp gần như đồng hồ Quartz. Dù vậy, chi phí để sở hữu những sản phẩm đó khá đắt đỏ.
  • Có giá thành rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm máy cơ cùng thương hiệu.
  • Khả năng chống sốc cao.
  • Chạy ổn định hơn máy cơ do cơ chế mặc định, không bị chết sau một thời gian dài không đeo như đồng hồ cơ.

Nhược điểm

  • Bộ máy của đồng hồ vận hành bằng pin và các vi mạch điện tử (IC) nên máy Quartz khó sửa chữa hơn so với máy cơ, nếu bộ máy Quartz hỏng thì thường sẽ phải thay cả bộ IC.

Các loại máy đồng hồ Quartz

Máy Thụy Sỹ (Swiss EB, Swiss movement Quartz): Là loại máy có độ chính xác và độ bền cao, thường được lắp trên các loại đồng hồ cao cấp.

Máy Nhật Bản (Japan Movement, Quartz): Là loại máy có độ chính xác cao với giá thành trung bình, thường được trang bị trên các mẫu đồng hồ giá thành trung bình.

Máy Paraguay, Gambia, Trung Quốc hoặc Đài Loan: Độ chính xác không cao, độ bền thấp. Thường được sử dụng để lắp đặt cho các loại đồng hồ giá thành thấp.

Đồng hồ năng lượng ánh sáng (Eco-Drive)

Nếu bạn yêu thích sự mỏng nhẹ của máy Quartz nhưng cảm thấy bất tiện khi phải thường xuyên thay pin đồng hồ, hãy lưu tâm đến sản phẩm được trang bị bộ máy siêu việt – đồng hồ năng lượng ánh sáng.

Hãy hình dung để thấy được điều tuyệt vời mà đồng hồ năng lượng ánh sáng sở hữu: chỉ cần được tiếp xúc với ánh sáng, dù là ánh mặt trời hay ánh đèn pin, ánh nến, đồng hồ đều có thể hấp thụ để chuyển hóa thành năng lượng. Chỉ cần có thế, chiếc đồng hồ trên tay bạn sẽ luôn miệt mài đập từng nhịp ổn định và chính xác, không phải thay pin, không phải chỉnh giờ.

Bằng cách nào những cỗ máy ấn tượng này làm được điều đó? Bí mật nằm ở những tấm panel được làm từ Silicon – chất liệu bán dẫn, nằm sau mặt số. Khi được ánh sáng chiếu vào, chất bán dẫn sẽ tạo ra các điện tử tự do lưu thông trong chất liệu, tạo thành dòng điện, được gửi đến pin tích trữ để chuyển hóa thành nguồn năng lượng.

Về bản chất, có thể thấy đồng hồ năng lượng ánh sáng có cùng cơ chế hoạt động như đồng hồ Quartz. Điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt rõ rệt chính là ở chỗ: pin đồng hồ Quartz là pin sơ cấp, không thể sạc. Trong khi đó pin đồng hồ năng lượng ánh sáng là pin thứ cấp, có thể sạc, và nguồn sạc pin chính là ánh sáng.

Ánh sáng tồn tại khắp mọi nơi, bất kể thời điểm nào. Do vậy hoạt động của đồng hồ năng lượng ánh sáng gần như là vĩnh viễn. Thời đại 4.0 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của đồng hồ năng lượng ánh sáng. Không chỉ mang đến nhiều thuận lợi cho người sử dụng, việc sản xuất đồng hồ năng lượng ánh sáng còn góp phần giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường. Không chứa thủy ngân trong bộ máy, mỗi sản phẩm thời gian ra đời là một lời cam kết của thương hiệu về phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Sở hữu nhiều điểm cộng, thế nhưng thị trường về đồng hồ năng lượng ánh sáng vẫn chưa được khai phá nhiều. Các thương hiệu đi đầu trong mảng này đa số đến từ Nhật Bản với những cái tên điển hình: Eco-Drive của Citizen, Solar của Seiko và Tough Solar của Casio. Trong đó, Eco-Drive được đánh giá là những chiến binh mạnh nhất, cả về năng lượng sở hữu lẫn giá thành và thiết kế.

Đồng hồ máy cơ (Mechanical)

Không phải ngẫu nhiên đồng hồ máy cơ lại được xem là đỉnh cao của nghệ thuật chế tác và luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi tín đồ thời gian. Cấu thành từ hàng trăm chi tiết, bộ máy cơ khí là hiện thân cho những gì phức tạp, tinh vi nhất và cũng là nơi thể hiện rõ nhất kỹ thuật điêu luyện của người làm nghề.

Đồng hồ cơ được chia thành hai loại: đồng hồ lên cót bằng tay (Hand-winding) và đồng hồ lên cót tự động (Automatic) hoặc một loại thứ ba phổ biến nhất là loại đồng hồ cơ tích hợp cả hai tính năng trên. Tuy nguồn năng lượng của đồng hồ đều được lấy từ hộp cót, thế nhưng, ở mỗi dòng cơ chế hoạt động của hộp cót là không giống nhau. Đây cũng chính là điểm mấu chốt để phân loại đồng hồ cơ.

Đồng hồ tự động (Automatic) được làm đầy năng lượng thông qua cử động của cánh tay người đeo. Để hộp cót được trữ đầy, thông thường người dùng cần đeo 8 tiếng/ngày và đeo thường xuyên. Trong khi đó, đồng hồ lên cót bằng tay trữ cót thông qua việc người dùng vặn núm đồng hồ theo vòng tròn để lên dây cót, thường là 40 vòng.

Khác với hai bộ máy trên, thời gian hoạt động của đồng hồ cơ thông thường là khoảng 40 giờ. Do vậy, nếu không thể đeo thường xuyên, bạn cần đặt đồng hồ lên hộp xoay để cỗ máy liên tục được nạp đầy năng lượng (đối với đồng hồ tự động). Riêng với đồng hồ lên cót tay, bắt buộc người đeo phải thường xuyên lên dây cót cho cỗ máy.

Một số đặc điểm của đồng hồ cơ.

  • Kim giây của đồng hồ chạy trôi, tạo cảm giác mượt mắt hơn so với đồng hồ Quartz
  • Bộ máy của đồng hồ sử dụng năng lượng cót để hoạt động, vì vậy khi hết cót người sử dụng buộc phải chỉnh lại giờ. Đây sẽ là một điểm khá bất tiện đối với những người không thường xuyên đeo đồng hồ.
  • Độ chính xác không cao như đồng hồ Quartz
  • Sai số lớn. Tuy nhiên, hiện nay các mẫu đồng hồ được cấp chứng nhận Chronometer sẽ có sai số thấp hơn.
  • Giá thành đắt hơn nhiều so với dòng máy Quartz khi so sánh trên cùng một thương hiệu.
  • Dễ dàng thay thế linh kiện và sửa chữa khi có hỏng hóc xảy ra cho bộ máy.
  • Khả năng chống sốc thấp.
  • Nhiều thiết kế đa dạng và độc đáo hơn so với đồng hồ Quartz
  • Sử dụng và gìn giữ, đồng hồ cơ có khả năng duy trì bền bỉ qua hàng chục thậm chí là nhiều chục năm.

Đối với đồng hồ cơ, chỉ số thường được quan tâm nhiều nhất chính là tần số giao động. Bởi tần số càng cao, mức sai số của đồng hồ càng giảm và chuyển động của kim giây càng mịn. Ngắm nhìn kim giây khẽ khàng lướt nhẹ trên mặt số trở thành niềm thích thú bất tận của bất kỳ người hâm mộ nào.

Theo đó, đồng hồ có tần số 18000 vph thì mức sai số khoảng: -30 đến + 60 giây/ngày.
• Tần số 21600 vph (3 Hz) đồng nghĩa với sai số khoảng -20 đến + 40/ngày
• Tần số 25200 vph (3.5 Hz), đồng hồ có mức sai số dao động khoảng -15 đến +30 giây/ngày
• Tần số 28800 vph (4 Hz), sai số đồng hồ khoảng -15 đến + 20 giây/ngày
• Tần số 36000 vph (5 Hz): sai số -10 đến +15 giây/ngày

Riêng với những cỗ máy đạt chứng nhận COSC, sai số đồng hồ đạt mức lý tưởng: -4 đến +6 giây/ngày

Trong cuộc đua về kỹ thuật chế tác, việc giảm đến mức thấp nhất sai số đồng hồ luôn là mục tiêu mà các hãng hướng đến. Cùng với đó, việc nâng thời gian trữ cót của đồng hồ cũng là khía cạnh được nhiều hãng quan tâm.
Đồng hồ cơ được ưa chuộng không chỉ bởi sự phức tạp, tinh vi của bộ máy mà còn bởi các chức năng độc đáo – chỉ có trên bộ máy cơ khí. Ở đồng hồ Quartz hay đồng hồ năng lượng ánh sáng, bạn sẽ không thể tìm thấy hình ảnh thơ mộng của mặt trăng trên nền số – hiện thân cho lịch tuần trăng. Các tính năng: điểm giờ, hồi ngược thời gian, các thiết kế lộ cơ,… cũng chỉ xuất hiện trên máy đồng hồ cơ khí.

Một số bộ máy đồng hồ cơ nổi tiếng

  • Máy ETA: Máy ETA hiện nay đang thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Swatch nổi tiếng Thụy Sỹ. Nếu bạn đang đeo trên tay một chiếc đồng hồ mà máy của nó không phải là máy in-house thì 90% sản phẩm đó sử dụng máy ETA. Hiện tại máy ETA được sử dụng hầu hết trong các sản phẩm đồng hồ Thụy Sỹ nhưng đến năm 2020 sẽ trở thành bộ máy đồng hồ độc quyền cho các thương hiệu thuộc tập đoàn Swatch.
  • Máy Sellita: Được sinh ra trong bối cảnh khi mà Swatch thắt chặt việc cung cấp bộ máy đồng hồ cho các thương hiệu nằm ngoài tập đoàn của mình, vào năm 1950, máy Sellita ra đời như một làn gió mới thay thế với chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp cho nhiều phân khúc đồng hồ từ trung cấp đến cao cấp. Cụ thể, bộ máy Sellita SW200 được thiết kế dựa trên nền tảng của máy ETA 2824-2 thời bấy giờ. Thiết kế này của Sellita gần như là sao chép từ ETA. Do các bằng phát minh trong máy ETA 2824-2 đã hết hạn nên Sellita SW200 có thể ra đời và tồn tại một cách hoàn toàn hợp pháp.
  • Máy Miyota: Máy Miyota là dòng máy được Citizen sản xuất. Dòng máy này đã phá vỡ thế độc tôn về sản xuất máy đồng hồ của ETA. Hiện Miyota đang là dòng máy trung cấp được ưa chuộng hàng dầu thế giới. Một số thương hiệu sử dụng máy Miyota có thể kể đến như Citizen, Festina, Camel, Dugena…
  • Máy Ronda: Cũng là một công ty sản xuất máy đồng hồ lớn sau ETA. Bộ máy Ronda R150 có cấu hình tương tự ETA 2824-2. Tuy nhiên dòng máy này không phổ biến bằng Sellita và Miyota.
  • Máy In-house: Là bộ máy được các thương hiệu trực tiếp sản xuất từ A-Z. Thường thì những thương hiệu lớn, đẳng cấp và đắt tiền mới tự sản xuất máy In-house. Có thể kể đến một số điển hình như TAG Heuer, A. Lange & Söhne, Frederique Constant … Tuy nhiên có một số thương hiệu trung cấp của Nhật Bản như Seiko, Citizen, Orient.. cũng đã tự sản xuất và lắp ráp máy In-house của riêng mình.

Luôn là đỉnh cao của chất lượng, đồng hồ cơ xuất hiện trên thị trường không chỉ tạo nên sự đa dạng, phong phú cho người dùng chọn lựa mà còn là chứng nhân lịch sử cho quá trình vận động và phát triển không ngừng của thế giới thời gian. Tin rằng, dù xu hướng vận động của thị trường ra sao, đồng hồ cơ vẫn luôn giữ một chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *